05 | Nền tảng viết blog | Cài đặt WordPress và những lưu ý

Nếu bạn muốn triển khai một blog, việc đầu tiên đó là lựa chọn một nền tảng có đầy đủ các tính năng bạn cần.

noi-dung-ngay-5

Nền tảng viết blog

Nền tảng viết blog là một phần mềm mà trên đó sẽ có những tính năng giúp bạn đăng các bài viết mới và quản lý chúng. Vì blog thường có giá trị cốt lõi là nội dung, vì vậy bạn nên cân nhắc các hệ quản trị nội dung cho nó (tiếng anh là Content Management System – viết tắt CMS).

Chọn một CMS làm blogging platform sẽ giúp bạn:

  • Không cần kiến thức lập trình vẫn cài đặt blog dễ dàng
  • Chủ động xuất bản và tạo nội dung mới
  • Tập trung vào viết bài hơn là các yếu tố kỹ thuật
  • Đa dạng tính năng với các plugins
  • Đa dạng lựa chọn thiết kế giao diện đẹp từ bộ thư viện lớn của theme miễn phí

Hiện này có rất nhiều nền tảng để bạn xây dựng blog, như WordPress, Drupal, Joomla, Blogger, Tumblr… Mỗi nền tảng đều có ưu và nhược điểm riêng, tuy nhiên mình lựa chọn sử dụng WordPress vì nó phổ biến và toàn quyền tuỳ chỉnh mọi ngóc ngách của blog.

Câu trả lời là có, bạn có thể tạo blog trên các nền tảng miễn phí. Tuy nhiên bạn sẽ gặp trở ngại bởi các quy tắc và ràng buộc, bạn sẽ không dùng được tên miền chính mà phải dùng tên miền phụ của nền tảng đó (ví dụ .wordpress.com hay .wixsite.com) Hay blog của bạn sẽ có những quảng cáo không phù hợp, chưa kể bạn sẽ không sử dụng được các công cụ ngoài giúp tăng hiệu suất & tiện ích cho blog. Ngoài ra việc kiếm tiền sẽ không dễ dàng nếu bạn sử dụng nền tảng miễn phí. 

Lý do tại sao bạn nên dùng WordPress

Là nền tảng đáng tin cậy và phổ biến nhất hiện nay, hơn 35% website trên toàn cầu được xây dựng trên nền tảng này. Với WordPress, bạn có thể làm rất nhiều thứ không chỉ blog, WordPress cung cấp thư viện đồ sộ theme và plugin tiện ích, đáp ứng mọi mong muốn sáng tạo của bạn.

Nếu bạn hướng tới viết blog chuyên nghiệp, nghiêm túc và lâu dài. WordPress là nền tảng đứng đầu hiện nay.

Phân biệt WordPress.com và WordPress.org

Với một người mới bắt đầu, ngay cả mình cũng nhầm lẫn giữa hai web này, tưởng chúng là một vì cái tên cùng là WordPress.

Sự khác biệt chính giữa wordpress.com và wordoress.org chính là cách thức vận hành hosting của chúng. Trong khi wordpress.org là sản phẩm “tự host”, nơi bạn dùng để tải bộ cài wordpress. Thì wordpress.com là nhà cung cấp sẵn dịch vụ hosting kết hợp với phần mềm blog wordpress – nơi wordpress đã được cài sẵn và bạn chỉ cần đăng ký gói cước từ miễn phí đến cao cấp để viết blog.

InfoGraphic ở ảnh dưới sẽ nêu ra sự khác nhau cơ bản giữa 2 nền tảng. Và bạn cũng lưu ý, tất cả bài viết mình hướng dẫn tạo blog đều dành cho wordpress.org

su-khac-nhau-giua-wordpress-org-va-com
Sự khác nhau giữa wordpress.org và wordpress.com

Cài đặt WordPress

Thú thực mình tốn khá nhiều thời gian cho việc cài đặt WordPress, có thể với nhiều người đọc hướng dẫn hiểu luôn nhưng với mình, việc cài đặt ban đầu không hề dễ dàng. Mình bơi và thử tất cả các cách cài đặt, cả thủ công và tự động, chung quy cuối cùng nhận ra ôi sao mà mình “ngốc nghếch” thế. Quá trình cài đặt WordPress rất dễ, đặc biệt nếu bạn cũng lựa chọn Hostinger như mình.

1. Cài đặt tự động của Hostinger

Bạn chỉ cần truy cập vào control panel và chọn icon Auto Installer. Tìm WordPress, nhập các thông tin cần thiết và nhấn nút Install. Để vào trang quản trị của WordPress và quản lý blog mới của bạn, chọn WordPress trong List of Installed Applications hoặc bằng đường dẫn yourdomain.com/wp-admin trên trình duyệt.

 

man-hinh-dang-nhap-wordpress
Màn hình giao diện đăng nhập

2. Cài đặt thủ công

Cài đặt thủ công có nhiều bước và phức tạp hơn. Thế nên nếu không vì lý do gì đó không cài đặt tự động WordPress được thì bạn mới cần đến cách cài đặt thủ công. Hoặc chỉ đơn giản là bạn tò mò và muốn tìm hiểu CMS hoạt động như thế nào.

Bạn có thể xem bài viết này để nắm được cách cài đặt thủ công cho WordPress nhé! Hướng dẫn cài đặt WordPress trên mọi nền tảng và thiết lập cơ bản

hello-wordpress
Sau khi cài đặt và đăng nhập xong, WordPress của bạn sẽ có giao diện như thế này | Bảng tin WordPress

Đây là các chức năng của menu quản lý WordPress, khi bạn di chuyển chuột đến menu chính thì các menu con khác sẽ hiển thị. Ở bài viết này, mình sẽ chỉ giới thiệu các chức năng của menu chính, menu con mình sẽ giới thiệu cụ thể ở từng nội dung bài học sau.

  • Bài viết – Quản lý bài viết
  • Media – Quản lý thư viện hình ảnh/video
  • Trang – Quản lý trang (trang giới thiệu, liên hệ..)
  • Phản hồi – Quản lý bình luận
  • Form liên hệ – Quản lý dữ liệu do thành viên gửi đến
  • Giao diện – Quản lý giao diện
  • Plugin – Quản lý tiện ích
  • Thành viên – Quản lý tài khoản
chuc-nang-menu-quan-ly-wordpress
Các chức năng của menu quản lý WordPress

Thiết lập đầu tiên cho WordPress

Trước khi bạn bắt đầu chủ động mày mò, mình nghĩ các bạn nên set-up những thiết lập đầu tiên cho WordPress, thay vì trình mặc định cơ bản. Thay đổi những thiết lập này sẽ giúp bạn làm quen được với WordPress, có cái nhìn tổng quan về các tính năng của WordPress. Quá trình mày mò phía sau sẽ trở nên “mượt mà” hơn.

Hình ảnh chụp lại màn hình đều là các cài đặt mình đã set-up cho blog của mình. Phía dưới ảnh đều có giải thích các thiết lập, bạn đọc kỹ và nếu cần thì thay đổi cho phù hợp với bạn nhé.

1. Tổng quan

Chọn Cài đặt » Tổng quan và bạn sẽ nhìn thấy một vài tuỳ chọn cho website. Khu vực này chứa các thiết lập quan trọng về cấu hình website của bạn c

cai-dat-tong-quan
Cài đặt » Tổng quan

Các thông tin ở đây không nhất thiết phải đổi. Trong hình là mình đã thay đổi cho phù hợp với  thông tin của bản thân và nhu cầu sử dụng, bạn có thể thay đổi như mình cho dễ dùng nha.

  • Tiêu đề trang: Tên của website, tên này sẽ hiển thị mặc định trên tiêu đề website.
  • Khẩu hiệu: Mô tả – slogan của website.
  • Địa chỉ WordPress: Địa chỉ của website WordPress hiện tại của bạn. Địa chỉ này sẽ tác động đến đường dẫn trên website.
  • Địa chỉ trang web: Địa chỉ của website trang chủ của bạn, nếu bạn cài website WordPress làm trang chủ thì nên để giống với Địa chỉ WordPress.
  • Địa chỉ thư điện tử: Địa chỉ email của người quản trị website, các thông báo quan trọng về website sẽ gửi về đây.
  • Thành viên: chọn nếu bạn muốn cho người khác đăng ký là thành viên của website
  • Vai trò thành viên mới: vai trò của người mới đăng ký trong website
  • Múi giờ: Múi giờ mà bạn muốn sử dụng trên website, Việt Nam là GMT + 7.
  • Định dạng ngày: Định dạng ngày tháng năm bạn muốn hiển thị trên website.
  • Định dạng thời gian: Định dạng giờ bạn muốn hiển thị trên website.
  • Tuần bắt đầu vào: Ngày mà bạn muốn nó là ngày đầu tiên của tuần.
  • Ngôn ngữ của trang: Ngôn ngữ mà bạn muốn dùng trên website

2. Viết | Cài đặt soạn thảo

Các thiết lập trong phần này sẽ tác động trực tiếp đến quy trình soạn và đăng nội dung của bạn trên blog.

tuy-chon-viet-bai-wordpress
Viết | Tuỳ chọn viết bài | Cài đặt soạn thảo
  • Chuyên mục mặc đinh: Chuyên mục mặc định của một bài đăng nếu bạn quên chọn chuyên mục khi đăng
  • Định dạng bài viết mặc định: Loại định dạng đăng mặc định khi đăng nếu bạn quên chọn
  • Đăng bài qua e-mail: Tính năng đăng bài thông qua e-mail
  • Dịch vụ cập nhật: Các dịch vụ ping mà bạn muốn WordPress tự động gửi tín hiệu ping khi có bài mới.

3. Đọc | Cài đặt xem trang

Tác động đến việc hiển thị nội dung khi xem trang

tuy-chon-hien-thi
Đọc | Tuỳ chọn hiển thị | Cài đặt xem trang
  • Bố cục trang chỉ: hiển thị tại giao diện trang chủ
  • Hiển thị nhiều nhất: Số lượng post hiển thị ra trang blog. Hiện tại bạn cứ hiểu trang blog nghĩa là một trang hiển thị danh sách các post mới nhất trên website
  • Số bài viết trong RSS Feed: Số lượng post mới được hiển thị tại trang RSS Feed của website (http://domain/feed)
  • Mỗi bài viết trong một nguồn cấp dữ liệu, bao gồm:

        Đầy đủ: hiển thị nội dung trên RSS Feed với toàn nội dung

        Tóm tắt: hiển thị nội dung trên RSS Feed với bản rút gọn

  • Hiển thị với công cụ tìm kiếm: Nếu bạn đánh dấu vào phần này, nghĩa là các bot của các cỗ máy tìm kiếm (Google chẳng hạn) không thể đánh chỉ mục nội dung của bạn, từ đó website của bạn không hiển thị trên kết quả tìm kiếm tại Google. Nên chọn nếu bạn đang trong quá trình xây dựng website, các thông tin còn đang bổ sung.

4. Thảo luận | Cài đặt bình luận

Thảo luận – đây là tính năng cho phép người dùng bình luận trong website của bạn.

Mình để mặc định tất cả, chỉ bỏ chọn “Cho phép liên kết các thông báo từ các blog khác (pingbacks và trackbacks) trên các bài viết mới“ để tránh những thông báo không cần thiết.

Trong phần này, các khái niệm được chỉ ra khá rõ ràng nên mình không giải thích thêm nữa.

tuy-chon-thao-luan-comment
Thảo luận | Tuỳ chọn thảo luận | Cài đặt bình luận

5. Media | Quản lý thư viện

Tiếp tục chọn Media và thiết lập như hình dưới. Các thiết lập này sẽ ảnh hưởng đến chức năng upload tập tin media (hình ảnh/video/nhạc,..) lên nội dung. 

Khi một hình ảnh được tải lên, WordPress sẽ cắt nó theo nhiều kích thước khác nhau để sử dụng cho nhiều vị trí khác nhau. Tuy nhiên mình muốn sử dụng kích thước riêng cho từng ảnh nên đã chuyển hết các thông số về 0.

Việc có đến 3 kích thước cho 1 hình ảnh sẽ gây tốn tài nguyên và làm chậm tốc độ tải trang của bạn, điều này không nên. Bạn hãy cân nhắc yếu tố này và thiết lập cài đặt cho phần Quản lý thư viện được phù hợp với blog của bạn nhất nhé.

tuy-chinh-thu-vien
Media | Tuỳ chỉnh thư viện

6. Permalinks | Đường dẫn tĩnh

Tiếp theo là cài đặt “đường dẫn tĩnh” – cấu trúc URL mà website sẽ sử dụng. Mặc định của WordPress, cấu trúc này sẽ có dạng: 

https://tenmien.com/?p=123

Cấu trúc URL này không được đẹp và không thân thiện cho việc SEO sau này. Bạn có thể tuỳ chọn thay đổi cấu trúc, tuy nhiên mình nghĩ bạn nên sử dụng lựa chọn Tiêu đề bài viết (như trong ảnh phía dưới) để có đường dẫn ngắn nhất và “sạch sẽ” trong mắt người đọc.

 

Và đừng quên Lưu thay đổi sau khi cài đặt nhé.

tuy-chon-duong-dan-tinh
Permalinks | Tuỳ chọn đường dẫn tĩnh
  • Mặc định: Cấu trúc đường dẫn mặc định (đường dẫn động
  • Ngày và tên bài viết: cấu trúc đường dẫn với kiểu hiển thị đầy đủ ngày tháng đăng post và tên post
  • Tháng và tên bài viết: cấu trúc đường dẫn với kiểu hiển thị tháng, năm và tên post
  • Chuỗi mã bài viết: Cấu trúc đường dẫn hiển thị ID của post thay vì tên
  • Tiêu đề bài viết: Chỉ hiển thị tên post trên đường dẫn
  • Tuỳ biến: Tùy chỉnh cấu trúc đường dẫn tùy ý, xem thêm phần cuối bài viết.

Kết lại

Hy vọng bạn đã có một cái nhìn tổng thể về nền tảng viết blog và lý do tại sao mình lựa chọn WordPress để xây dựng blog.

Hy vọng bạn đã có một cái nhìn tổng thể về nền tảng viết blog và lý do tại sao mình lựa chọn WordPress để xây dựng blog. Sau khi cài đặt xong WordPress, bạn hãy thiết lập những hạ mục cơ bản mình chỉ phía trên nha. Còn đương nhiên bạn cũng sẽ mất kha khá thời gian để chủ động mày mò và tìm hiểu các tính năng của WordPress, nó không hề đơn giản nhưng cũng không phải quá khó đâu.

Nhớ lại nội dung bài học ngày 04, có hai thành tố để cấu thành lên một blog/website là Domain và Hosting. Bạn cần có hai thành tố này trước khi tiến hành cài đặt WordPress và xây dựng một blog chuyên nghiệp.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này! Hãy để lại bình luận nếu có bất kỳ câu hỏi nào hoặc đơn giản chỉ là vài dòng cảm nhận, mình sẽ rất vui nếu được bạn chia sẻ và góp ý để những bài viết sau trở nên hay ho, chất lượng hơn.

Đừng quên follow Instagram và Fanpage vì mình sẽ cập nhật thông tin nhanh nhất tại đây.

Love, Lu

Thanks for reading!

Share:

No Food Phobia
No Food Phobia

Trang blog chia sẻ về ẩm thực, du lịch và những câu chuyện đời sống của Vũ Mỹ Linh.

About me

3 bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.