Mood & Tone của blog cũng giống như "bộ nhận diện" của một con người. Chỉ với ánh nhìn đầu tiên, bạn muốn được nghĩ đến như thế nào? Thương hiệu blog của bạn cũng cần tính-người như chính bạn vậy.
Hãy đọc lại các bài viết trước khi bắt đầu ngày 3
Ngày 1: 5 lý do tại sao bạn bắt đầu viết blog ngay từ hôm nay
Mood & Tone giống như một sợi chỉ đỏ để định hướng, truyển tải và kết nối nhiều bộ phận khác nhau
Mood & Tone là gì?
Tầm quan trọng của Mood & Tone
Mood & Tone là tông giọng/văn phong và cảm xúc bạn muốn truyền tải đến người đọc, người xem. Mood & Tone hiểu nôm na là cảm giác mà bạn muốn độc giả cảm nhận được khi lướt blog của mình.
Mood & Tone sẽ thể hiện ở hai khía cạnh, là hình ảnh và nội dung. Hình ảnh, có thể biết đến với bộ nhận diện thương hiệu của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn có tên tuổi hay hiện nay doanh nghiệp nhỏ đều đã có bộ quy chuẩn riêng. Bộ nhận diện được xây dựng rất rõ ràng, để mỗi khi người tiêu dùng bắt gặp 1-2 hình tượng từ thương hiệu của bạn là họ biết ngay bạn là ai, có tính cách như thế nào.
Ví dụ với thương hiệu tên tuổi, ta có thể thấy hai ông lớn trong ngành Food & Beverage (cụ thể với sản phẩm đồ uống Coke) là Pepsi và Coca Cola. Cả hai đều mang tinh thần vui nhộn và trẻ trung, tuy nhiên đều mang những dấu ấn riêng biệt.
Coca Cola được định vị với màu đỏ-trắng, trong khi Pepsi là màu đỏ-xanh dương. Về mặt nhận dạng thương hiệu, Coca Cola làm truyền thông luôn hướng về mặt tình cảm (như các quảng cáo chim én ngày Tết và khung cảnh đoàn tụ gia đình vẫn thường thấy qua nhiều năm). Còn Pepsi luôn liên quan đến âm nhạc, sôi động và sáng tạo.
Mood & Tone thể hiện ở mặt nội dung chính là tông giọng văn bản. Người 18 tuổi và người 40 tuổi sẽ đọc những nội dung khác nhau, họ sẽ thích cách nói chuyện và giao tiếp khác nhau. Bạn không thế viết teen code, từ “lóng” cho bố mẹ mình đọc được.
Cuối cùng Mood & Tone là cực kỳ quan trọng, nó tác động không nhỏ đến nhận diện và cái nhìn của độc giả đối với trang blog của bạn.
Mood & Tone thế hiện qua hai khía cạnh, là hình ảnh và nội dung.
Thể hiện qua Hình ảnh
Với hình ảnh, không cần quá chi tiết như bộ nhận diện thương hiệu của các doanh nghiệp. Mình nghĩ với một blog, bạn chỉ cần tối giản và thể hiện ở Logo và Màu Sắc là đủ.
1. Logo
Logo là một trong những yếu tố cơ bản của bộ nhận diện thương hiệu. Logo sẽ phản ánh cá tính và hình ảnh của người sở hữu nó, hãy tạo cho mình 1 logo đơn giản nhưng không kém phần ấn tượng. Nếu bạn biết sử dụng AI thì quá tốt rồi, còn không bạn hãy tạo logo trên các nền tảng có sẵn. Có rất nhiều trang web miễn phí để bạn thực hiện, ví dụ như Canva, Designbold, LogoMark, DesignEvo, FreeLogoDesign,..
No Food Phobia, mình thiết kế khá đơn giản. Mình lựa chọn một font chữ mang phong cách hiện đại với thiết kế đường cong mượt mà của các chữ và làm nổi bật với hình tượng vô cực Infinity, cách điệu trong hai chữ o đứng cạnh nhau. Biểu tượng vô cực thể hiện cái một cái gì đó là mãi mãi, không có ranh giới, chúng ta làm việc và sáng tạo không ngừng nghỉ để theo đuổi đam mê. Biểu tượng thể hiện một góc nhìn của mình trong cuộc sống, đã thế trông nó còn toát lên sự nhẹ nhàng và tinh tế nữa.
Nếu logo của bạn dưới dạng hình thì cứ thoải mái vẽ vời, còn nếu dưới dạng chữ như mình thì ngoài font chính cho logo, bạn nên chọn thêm 1-2 font cho những phần chữ còn lại (như tiêu đề hay văn bản). Và một lưu ý quan trọng, bạn chỉ nên sử dụng tối đa 3 font cho blog của mình để tránh rối mắt và không có sự đồng bộ nha.
Bạn có thể đọc thêm bài viết về ý nghĩa của 10 logo nổi tiếng tại đường dẫn này! Bài Học Về 10 Logo Thương Hiệu Nổi Tiếng Nhất Thế Giới
2. Màu sắc
Mỗi màu sắc đều thể hiện một ý nghĩa riêng, hãy lựa chọn 3-5 màu sắc phù hợp với câu chuyện của bạn. Và khi thiết kế giao diện cho blog, đừng quên sử dụng các màu sắc này nhé.
Với No Food Phobia, ban đầu thích nhiều tone màu lắm, chọn đủ kiểu cuối cùng chốt lại tone đen trắng. Ảnh ọt màu mè lắm rùi nên cơ bản thôi cho đỡ rối mắt hehe
Lấy ví dụ khác về các thương hiệu mình đã làm việc, Tầm Vị lựa chọn màu chủ đạo của thương hiệu là màu đỏ trầu, kết hợp với các tông màu đất và kem để tôn lên sự nhã nhặn và thanh lịch. À khoe nhẹ chút, chiếc website nhỏ xinh của Tầm Vị cũng là do mình làm đó. Mà cũng cách đây 2 năm rồi, đợt đó mình làm trên nền tảng Wix chứ không phải WordPress như bây giờ.
Hay nhẹ nhàng, nhã nhặn và tinh tế với tông hồng từ tiệm hoa Ribbon Florist
Còn đây là me me bistro với hình ảnh hiện đại, sôi nổi cùng màu nhận diện là màu hồng và màu xanh dương.
Ngoài ra việc sản xuất hình ảnh cũng thể hiện phần nào tính-người của blog. Khi bạn có một bộ nhận diện từ logo và màu sắc, bạn sẽ định hình được hướng sản xuất hình ảnh phù hợp cho blog của mình.
Thể hiện qua Nội dung
Mood & Tone trong nội dung chính là tông giọng thương hiệu. Sang trọng hay bình dân, dành cho người mới hay chuyên gia. Bạn hãy liệt kê ra các nét tính cách của blog, từ đó biểu lộ chúng trong các nội dung bạn đăng tải. Đừng quên việc xác định đối tượng độc giả của bạn là ai để thể hiện câu chữ cho phù hợp.
Ví dụ: Muốn thể hiện tích cách thân thiện thì tông giọng cần gần gũi, dễ mến, thân thuộc. Còn với tính cách Chân thành thì hãy truyền tải nội dung theo tông giọng thực tế, đáng tin cậy, trực tiếp
Làm thế nào để xác định được Mood & Tone cho nội dung?
Để xác định tông giọng cho một blog, bạn cần lưu ý những yếu tố sau:
- Xác định đối tượng độc giả
- Nghiên cứu các blog cùng chủ đề xem họ đang đi hướng nào và chọn Mood & Tone có điểm khác biệt so với những người đi trước, điều này sẽ giúp bạn tìm ra chất riêng cho blog của mình
- Chọn ra 3 cụm từ liên quan đến tính cách của blog và từ đó phát triển ra đặc điểm
Đọc đến đây chắc bạn đã nắm được phần nào Mood & Tone quan trọng như thế nào cho blog của mình. Mong rằng bạn sẽ sớm xây dựng được một blog có chất riêng và thật hay ho nhé!
Xem lại các bài viết
Ngày 1: 5 lý do tại sao bạn bắt đầu viết blog ngay từ hôm nay
5 bình luận