Bài viết thứ 2 trong series Chụp ảnh đồ ăn, với chủ đề GÓC CHỤP.
Xem lại Bài viết về Bố cục: Bí quyết để có một bức ảnh đồ ăn chặt chẽ và hút mắt
Một bức ảnh chụp đồ ăn đẹp với mình là khi nhìn vào bức ảnh, cảm giác thèm ăn sẽ xuất hiện đầu tiên. Đây chính là yếu tố “ngon mắt” mà mình luôn chú trọng, và cố gắng thể hiện điều đó trong từng bức ảnh mỗi khi đăng tải lên trang cá nhân của mình.
Vậy nên trước khi bắt tay vào chụp, bạn hãy dành thời gian để quan sát một chút. Ngắm nghía xem món ăn sẽ “ngon mắt” nhất ở góc độ nào: xoay tròn cái đĩa, nhấc lên đặt xuống cốc nước… Sau đó hãy giơ máy lên và thử chụp chúng ở nhiều góc độ khác nhau, bạn sẽ tìm ra đâu là góc phù hợp nhất để tôn lên kết cấu, decor.. của món ăn.
Qua trải nghiệm, mình hay cẩn-thận chụp đồ ăn ở đa dạng góc. Tin mình đi, chụp nhiều góc không thừa chút nào đâu. Việc này giúp mình có ảnh để sử dụng linh hoạt, cân đối với feed Insta, up ảnh đan xen góc này góc kia, nhằm tránh cảm giác nhàm chán khi lưới tổng thể cả feed.
Chưa kể với các bạn làm marketing ngành F&B, khi bạn cần đăng bài giới thiệu một món ăn/đồ uống chính. Hãy chọn tầm 1-2 ảnh chỉ chụp món đó nhưng với các góc khác nhau và kết hợp cùng 1-2 ảnh concept, hay ảnh món chính đặt trong không gian nhà hàng…chẳng phải bài viết sẽ thú vị hơn sao. Còn nữa, việc thiết kế các ấn phẩm truyền thông cũng dễ dàng hơn cho designer…
Chốt lại dù là tự chụp ảnh món ăn đơn giản bằng điện thoại, hay chụp ảnh thương mại với các production house chuyên nghiệp, mình luôn yêu cầu chụp đủ 3 góc phía dưới:
1. Góc top down - flatlays
Góc chụp phổ biến khi sử dụng điện thoại, bởi lẽ món ăn dễ dàng phô ra mọi chi tiết của nó. Từ nguyên liệu, hình khối và màu sắc, theo chiều trực diện từ trên xuống. Phù hợp để chụp các món ăn thấp, bẹt như bát bún, pizza, đồ nướng lẩu..
Nếu đã cài đặt đường lưới, khi bạn giơ điện thoại từ trên xuống màn hình iPhone hiển thị 2 dấu cộng màu trắng và vàng trùng nhau ở giữa, tức là camera đã song song với mặt phẳng của chủ thể, bạn đã căn được góc flatlays vô cùng trực diện rồi đấy. Với góc này, bạn cần lưu ý sắp xếp bố cục một cách hài hoà, nếu không sẽ rất lộn xộn.
Màn hình camera iPhone, bạn hãy căn cho 2 dấu cộng màu trắng và vàng trùng nhau ở giữa rồi chụp nha. Mộ t bức hình flatlays không thể chính xác hơn.
2. Góc nghiêng (góc 45 và 20 độ)
Góc tiêu chuẩn, thể hiện đa chiều của một món ăn như phía trước, bề mặt hay góc cạnh, tạo cảm giác gần gũi và đầy đặn. Phù hợp khi chụp cận cảnh món ăn, các món có nhiều tầng như crepe, burger hay đồ uống. Với góc này, bạn sẽ nhìn rõ kết cấu của món ăn cũng như độ sâu của khung hình.
Góc 45 độ phù hợp hơn cho đồ uống hoặc đồ ăn “cao”. Góc 20 độ phù hợp với thực phẩm “thấp/lùn/ngắn hơn”.
Ngoài ra bạn hãy thử chụp thêm ở chế độ Portrait, người xem sẽ tập trung hơn vào đồ ăn vì phần nền phía sau đã được làm mờ.
3. Góc thẳng
Góc 0 độ. Không phải loại đồ ăn nào cũng có thể chụp góc này nhưng nếu biết cách thì đảm bảo bạn sẽ có 1 bức hình cực kỳ “ngon mắt”. Góc thẳng sẽ giúp người xem tập trung vào chủ thể chính, thường được dùng để chụp cho các sản phẩm như: đồ uống có kết cấu bên trong đẹp, món ăn có nhiều layer, tay cầm sản phẩm check in (trà sữa, kem que..)…
Có 1 tài khoản insta mà mình follow chuyên chụp kiểu tay cầm check in – @foodintheair. Nói chung góc thẳng sẽ rất phù hợp để chụp khi bạn đi du lịch, ăn món đường phố và khoe khung cảnh xung quanh chẳng hạn. Một tips để bức ảnh được đẹp hơn, hãy căn chân trời phía sau nằm ở 2/3 chiều cao khung ảnh nhé.
Một bộ sưu tập street food được chụp với góc thẳng
Kết lại
Có vô vàn góc khác nhau khi chụp ảnh đồ ăn, nhưng để “chụp phát ăn ngay” thì bạn hãy áp dụng 3 góc mình vừa giới thiệu phía trên nhé. Góc chụp là một trong những yếu tố quan trọng để bức ảnh đồ ăn được lung linh, hấp dẫn hơn. Vậy nên hãy ngắm nghía và cảm nhận, đa dạng và linh hoạt góc chụp, bạn sẽ sản xuất ra được kha khá bức hình “ứa nước miếng” đấy!